`

 

PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXXIV Thứ 7


Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn 7, 15-27

"Sẽ trao quốc gia và quyền hành cho dân thánh của Ðấng Tối Cao".

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Tôi là Ðaniel, lòng tôi kinh khiếp, tôi run sợ vì những sự đã thấy, các thị kiến trong đầu óc tôi khiến tôi bối rối. Tôi tiến lại gần một vị hầu cận, hỏi người ý nghĩa thật về những sự đó. Người liền giải thích cho tôi và bảo rằng: "Bốn con thú to lớn đó là bốn quốc gia sẽ dấy lên trên địa cầu. Nhưng các thánh của Thiên Chúa Tối Cao sẽ lên ngôi và sẽ nắm giữ quốc gia đến muôn muôn ngàn đời".

Sau đó, tôi muốn tìm hiểu cặn kẽ về con vật thứ tư, nó khác xa mọi con thú kia và rất dữ tợn: nanh móng nó bằng sắt, nó cắn nuốt nhai nghiến, và lấy chân giày đạp những gì còn sót lại. Tôi cũng muốn biết rõ về mười cái sừng trên đầu nó, và một cái sừng mới mọc lên, trước khi ba cái sừng kia bị nhổ đi: cái sừng mới mọc lên lại có mắt và miệng, nó nói lên những điều trọng đại, và nó lớn hơn các sừng khác. Tôi nhìn xem chiếc sừng ấy giao chiến với các thánh và nó toàn thắng, cho tới khi vị Bô Lão đến trao quyền xét xử cho các thánh của Ðấng Cao Cả, tức là tới thời kỳ các thánh chiếm đoạt quốc gia.

Người lại bảo như thế này: "Con vật thứ tư là quốc gia thứ tư trên địa cầu, nó rộng lớn hơn mọi quốc gia, thôn tính cả hoàn cầu và giày đạp phá huỷ địa cầu. Còn mười chiếc sừng là mười vua trong nước đó. Sau mười vua ấy, thì một vua khác dấy lên, có quyền thế hơn các vua trước, và đánh đổ được ba vua. Ông ta nói những lời phạm đến Ðấng Chí Tôn, tàn sát các thánh của Ðấng Tối Cao, ông tưởng mình có thể thay đổi cả thời gian và luật pháp, và người ta sẽ trao vào tay ông một thời kỳ, hai thời kỳ và nửa thời kỳ.

"Ðoạn sẽ có phán quyết để truất phế, tiêu diệt và huỷ hoại ông ta cho tận tuyệt. Còn quốc gia, quyền hành và sự cao sang dưới các tầng trời, sẽ trao cho dân thánh của Ðấng Tối Cao: nước Người là nước hằng hữu, mọi vua chúa sẽ suy phục vâng lời Người".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðn 3, 82. 83. 84. 85. 86. 87

Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời (c. 57b).

Xướng: 1) Hãy chúc tụng Chúa đi, con người ta hỡi. - Ðáp.

2) Chúc tụng Chúa đi, hỡi Israel. - Ðáp.

3) Chúc tụng Chúa đi, các thầy tư tế của Chúa. - Ðáp.

4) Chúc tụng Chúa đi, mọi người tôi tớ Chúa. - Ðáp.

5) Chúc tụng Chúa đi, thần hồn các vị hiền nhân. - Ðáp.

6) Chúc tụng Chúa đi, người thánh và lòng khiêm nhượng. - Ðáp.

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 21, 34-36

"Các con hãy tỉnh thức, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"

Ðó là lời Chúa.


Suy Nghiệm Lời Chúa
Cây Đèn Còn Dầu = Tỉnh Thức Nguyện Cầu
 

Thứ Bảy cuối Tuần XXXIV Thường Niên cũng là ngày cuối cùng của phụng niên nói chung và của chu kỳ phụng niên năm B nói riêng, Bài Phúc Âm hôm nay chỉ có 3 trong 5 câu cuối cùng ở đoạn 21 Phúc Âm Thánh Luca. 

Đúng thế, 2 câu cuối cùng 37 và 38 của đoạn 21 được Thánh ký Luca cho biết về lịch trình cùng nơi chốn sinh hoạt hay giảng dạy của Chúa Giêsu vào những giây phút cuối cùng của Người ở Giêrusalem trước cuộc khổ nạn và tử giá của Người: "Ban ngày Người giảng dạy trong đền thờ, và ban đêm Người rời thành này mà về Núi Cây Dầu. Khi ngày tới thì tất cả mọi người đều đến nghe Người trong đền thờ".

Tuy nhiên, cho dù "Khi ngày tới thì tất cả mọi người đều đến nghe Người trong đền thờ", mà loạt bài giáo huấn cuối cùng ở Giêrusalem của Người, từ bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước cho đến nay, Chúa Giêsu chỉ nói với các môn đệ của Người mà thôi, chứ Người không nói với các vị một cách riêng tư như Người sẽ làm thế khi cử hành Lễ Vượt Qua với các vị trong Bữa Tiệc Ly ở căn thượng lầu riêng biệt giữa Người và các vị, và kể cả trong bài Phúc Âm hôm nay, Người vẫn nói với các vị một cách công khai trước mặt quần chúng và nơi đền thờ Giêrusalem. 

Thật vậy, trước ngay 2 câu cuối cùng ở đoạn 24 này, Thánh ký Luca đã ghi lại lời Chúa Giêsu huấn dụ sau hết của Người trong loạt giáo huấn cuối cùng của Người ở Giêrusalem, cho riêng các môn đệ của Người cũng như cho chung dân chúng đang qui tụ lại với các môn đệ của Người để nghe Người bấy giờ. Và lời huấn dụ cuối cùng mà Người muốn nhắn nhủ cho cả hai thành phần nghe Người bấy giờ được thánh ký Luca ghi lại trong bài Phúc Âm hôm nay đó là:

"Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"

Trong lời huấn dụ cuối cùng ở Giêrusalem này, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ và toàn thể đám đông dân chúng đang lắng nghe Người bấy giờ 2 điều, một có tính cách tránh lánh tiêu cực: "hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất", và một có tính cách áp dụng thực hành tích cực: "hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"

Về lời khuyên tránh lánh những gì là tiêu cực "hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất" là lời khuyên được Người lập lại theo lời cảnh báo của Người trước kia liên quan đến việc ứng phó của thành phần chứng nhân cuối thời khi thấy thành Giêrusalem bị công hãm thì làm sao phải thoát thân chứ đừng bị kẹt lại mà khốn, như lời Người trong Bài Phúc Âm Thứ Năm tuần này: 

"Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân". 

Về lời khuyên áp dụng thực hành tích cực "hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!" cũng được Người lập lại những gì Người đã trấn an và phấn khích thành phần chứng nhân cuối thời trong cùng Bài Phúc Âm Thứ Năm tuần này mới hôm kia: "Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến".

Vẫn biết vương quốc của ma quỉ, của thần dữ đã bị phá hủy bởi Chúa Kitô khi Người đến trần gian lần thứ nhất, đặc biệt là bằng cuộc Vượt Qua của Người (xem 1Gioan 3:8). Tuy nhiên, khi còn sống trên thế gian này, trong không gian và thời gian, con người dù đã được cứu độ khi lãnh nhận Phép Rửa tái sinh, vẫn sống với một bản tính bị nhiễm lây nguyên tội, nên vẫn phải chịu hậu quả của nguyên tội là khổ đau và chết đi, và vì thế vẫn sống với tất cả các mầm mống tội lỗi là đam mê nhục dục và tính mê nết xấu, và do đó vẫn có thể bị hư đi, nếu không tự "giữ mình" và "luôn tỉnh thức và cầu nguyện".

Kinh nghiệm tu đức cho thấy rõ đúng là như vậy, và chính Phúc Âm cũng đã ghi lại trường hợp điển hình nhất về ba vị tông đồ thân tín nhất của Chúa Kitô ở trong Vườn Cây Dầu vào Đêm Thứ Năm Tuần Thánh với Chúa Giêsu, cả 3 vị đã không thể nào mở mắt thức với Người được lấy 1 giờ đồng hồ trong lúc Người "buồn thảm đến chết đi được" (xem Mathêu 26:36-46), bởi thế mà ba vị tông đồ thân tín này đã cùng với những vị còn lại "tất cả đã bỏ Người mà thoát thân" (Marco 14:50), ngay chính lúc các vị cần phải tỏ ra hiên ngang cương quyết sống chết với Thày của mình!

Đó là lý do trong Phúc Âm Mathêu đoạn 25 mới có dụ ngôn 5 cô trinh nữ khôn ngoan cho dù có ngủ vẫn còn dầu hy vọng để có thể thắp sáng lên đức mến cho cây đèn đức tin của mình để sẵn sàng nghênh đón Chàng Rể đến vậy.

Chúa Kitô quang lâm không phải chỉ để tiêu diệt sự dữ và kẻ dữ mà là để canh tân lại tất cả mọi sự theo đúng như dự án thần linh vô cùng khôn ngoan của Vị Thiên Chúa toàn thiện, toàn ái và toàn năng. Sách Tiên Tri Đaniên ở Bài Đọc 1 hôm nay đã diễn tả về thành phần được gọi là "các thánh của Thiên Chúa Tối cao" hay "dân thánh của Đấng Tối Cao" như thế này: "Các thánh của Thiên Chúa Tối Cao sẽ lên ngôi và sẽ nắm giữ quốc gia đến muôn muôn ngàn đời... quốc gia, quyền hành và sự cao sang dưới các tầng trời, sẽ trao cho dân thánh của Ðấng Tối Cao: nước Người là nước hằng hữu, mọi vua chúa sẽ suy phục vâng lời Người". 

Trước tất cả những gì Thiên Chúa thực hiện theo đúng dự án thần linh của Ngài, nơi Chúa Giêsu Kitô là Lời Nhập Thể của Ngài, qua cả 2 lần đến của Người, tất cả đều cho lợi ích thiêng liêng cho con người, và qua con người mà mọi loài cũng được thông hưởng (xem Roma 8:19), tâm hồn của những ai tin tưởng vào Ngài và trung kiên với Ngài không thể nào không hân hoan kêu gọi chúc tụng ngợi khen Ngài, như câu họa của bài Đáp Ca hôm nay: "Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời" cũng như các câu xướng của bài Đáp Ca hôm nay liên quan đến chính loài người, (hơn là chỉ liên quan đến thiên nhiên vạn vật như các bài Đáp Ca suốt tuần này), như sau: 

1) Hãy chúc tụng Chúa đi, con người ta hỡi.

2) Chúc tụng Chúa đi, hỡi Israel.

3) Chúc tụng Chúa đi, các thầy tư tế của Chúa.

4) Chúc tụng Chúa đi, mọi người tôi tớ Chúa.

5) Chúc tụng Chúa đi, thần hồn các vị hiền nhân.

6) Chúc tụng Chúa đi, người thánh và lòng khiêm nhượng. 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
 

Thu.7.XXXIV.mp3 

NgayCungThangTan-DungThangNguocDau.mp3

 https://youtu.be/-8JvUlAdRKY